NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm |
Nhiều lúc, tôi
có ấn tượng khác với những nhà phê bình nhận định thường phong thánh cho chính
thi sĩ . Có thể, họ nhìn thơ qua góc cạnh của bản thể người sáng hóa, nhưng
theo tôi Thơ khác gì không, hay cũng chỉ là sự liên tưởng phát sinh không theo
dòng chảy sinh học, mà nẩy nở từ nhân quả có tiền thân mới hóa hiện hậu
thân.Thơ là hóa thân tiền kiếp của từng giây phút thi sĩ hiện hữu cảm nhận mà
hình thành. Chính vì vậy, nghệ sĩ hiện thân như một truyện cổ tích, chàng trai
mang nặng trong não cân một kho tàng hoàng kim, có dịp cứ vắt ra từng mảnh vàng
cung hiến cho nhân gian. Thời gian cứ lũ lượt trôi qua như những đám mây hư
huyễn, kho tàng lần lượt vơi cạn, thì kiếp hóa sinh người thơ chỉ còn dư âm “ gió nghìn thu thổi tạt thiên thu”. Vời
vợi nghìn trùng xa cách, mà thơ cũng sẽ là vật thể ngôn ngữ vưởng vất linh hồn
sáng hóa, ẩn hiện chờ người hữu duyên , bởi vì rảnh đâu :
Y bát đâu mà trải lòng ra
Không-không núi trụ ngưỡng trăng tà
Một tí huỳnh hôn bay phất phưởng
Đêm về đợi sáng cát mù sa
Cái nhìn như trên, hóa ra thi sĩ khác gì người
người giữ cầu, chờ đón ngọn thu phong và lữ khách phương xa trở về. Ngàn dặm
phong sương vắt lên vai áo vừa giũ sạch trên từng nhịp cầu, và người thi nhân
gom góp lại thành thơ dán lên thành cầu của điếu kiều, hầu mong để lại mai sau:
Lênh đênh để thấy dòng vô tận
Gió nghìn thu thổi tạt thiên thu
Lênh đênh để thấy vầng trăng cũ
Soi trập trùng kiếp núi phù hư
Quả thật, người
thơ đã trùng trùng lao mình vào không gian tương hợp mà hóa thân. Nên cái tâm
và ý hòa đồng, chập chùng hình bóng xao xác kỳ diệu giữa hoàng hôn. Thần và khí
hóa hiện rực rỡ sắc màu của những chiếc cầu vồng kỳ bí lờ lững giữa thơ và trời
đất mênh mang.
Trải qua, gần
nửa thế kỷ sáng tạo, thi nhân nầy vẫn như cánh chim khổng tước ngậm thơ như
chôn chặt định mệnh dào dạt chân khí, thổi vào thơ thứ ánh sáng phi thường. Ánh
sáng thơ kỳ diệu đầy sáng thể của vũ trụ riêng biệt, không trùng lấp vào thế
giới thơ khác, mà chỉ riêng mình lập thể quyền năng “ mời thiên thu đến vờn say ánh vàng”.
Sự tuyệt diệu
trong sáng tác, nhập thân hóa hiện, phải chăng đến lúc nào đó không còn phân
biệt thơ với thi nhân, khác gì Trang Tử trong huyễn hóa không biết bướm là mình
hay mình đang hóa bướm.Quả thật, thiên địa nhân như nhất- nên nhà thơ không còn
giai đoạn mò mẫm với trăng, với gió, với đạo và đời. Mà hình như là một viên
khảo cổ lão luyện nhìn đất biết cõi sống, nhìn đá mà đón bắt thời gian diệu vợi
đã trôi qua.
Tôi trầm ngâm
trước nhiều tập thơ của thi sĩ, nên bước tiến thoái trong thơ của cố nhân, quả
thật định được vị trí mà người đang ngất ngưởng trước sáng tác mình và trong
vườn hoa văn học.Nên khi viết cho người, tôi nhớ đã nhận định rằng, tư tưởng
đến với thơ thường có một sự đột biến khiến dòng thơ băng ngang những lộ trình
có lúc ngộ nhận không bình thường.Thơ bay nhảy như một khúc biến tấu không nằm
trong trường canh vạch sẵn.Bởi hướng thơ đi trong liên tưởng bất chợt, khiến
hình ảnh đột biến nằm ngoài cõi thường trụ vậy:
Tôi đi loanh quanh kiếp người như dẫm chân
cằn cũ
Chẳng được cây số nào
Không nhận mặt cánh hoa
( Trên tay Ca Diếp Ma Ha )
……………………………
Đi loanh quanh bên một kiếp người
Thấy thời gian mang hình vỏ trứng rạn
Tôi ngờ ngợ
Tự cứu chuộc lấy tôi
Lửa từ bi ấm nóng
Từ bài thơ tình tinh khôi
Thật ra, thơ
người quả tình thấm đẫm nét không tưởng, bất chợt hiển thị trên từng câu thơ
đột biến nằm ngoài nét nhìn thường thấy trong những hướng thơ quanh ta…Vì vậy,
trong hứng khởi tuyệt diệu như vậy, nhiều lúc lại là phong cảnh rạng rỡ biến
hóa khôn cùng.Mà từ cái nhìn nhị nguyên, âm dương lưỡng cực như:
Gió có thể đưa hương
Đi và đến
Mất và được
Mộng và thực
Đôi bờ
Thì đột biến quy
về bản thể, giữa những vết rạn trùng trùng trở lại sơ nguyên:
Tôi gục đầu đè lên tiếng nấc
Nghe vai nặng
Chính mình
Hình ảnh đó, như
nói ở phía trên là “Tôi ngờ ngợ/Tự cứu
chuộc lấy tôi”.Cái lạ trong đột biến uyển chuyển thay đổi trạng thái, phải
chăng là phương cách hòa quyện tinh khí thần của Lão đạo? Dù sao, cũng nhận
thấy cái lạ khi sáng tác như vậy đã khiến thơ có nét hóa hiện kỳ vĩ, phong nhã
như tiếng gọi của chiếc phong linh trước cái chào mời kỳ xảo của gió mây. Hay
lại là, âm hưởng thu phong đầy đạo vị của rừng tre xào xạc trước bước thiên thu
vô thường vậy…
NGÔ NGUYÊN
NGHIỄM
(Ý niệm về tập LỬA HƯƠNG MÙA CŨ , thơ HỒNG BĂNG, sắp xuất bản)
Mùa Thu Quý Tỵ, bên Thư Trang Quang Hạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét