Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

THẤY EM CÚI NHẶT ĐÓA TRÀ HOA THƠM

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn khôn mọc rụng từ khi nhớ người
Lặng nghe tịch tĩnh không lời
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa

Phất phơ giữa cõi ta bà
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.
                  
                                 HB


Giao cảm trong thơ Hồng Băng – Tửu Sĩ
Tác giả: Lê Liên

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn khôn mọc rụng từ khi nhớ người
Lặng nghe tịch tĩnh không lời
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa

Phất phơ giữa cõi ta bà
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.
             
                              Hồng Băng.


Thú thật tôi không có điều kiện thời gian để thưởng thức thơ ca, cho nên kiến thi rất kém! Bạn thơ của tôi cũng không có nhiều! Nhưng thật may, tôi đã hân hạnh được biết nhà thơ Hồng Băng qua những bài thơ, tùy bút  mới đây của anh! 

Thơ của anh chất chứa nhiều trắc ẩn từ cuộc sống này!
Và luôn làm cho người ta phải suy tư. Mang mang như lạc vào cõi vừa xa xăm, vừa như thật gần!

Đọc thơ anh tôi thấy mình như trôi bềnh bồng trong vô định và cảm nhận thân phận con Người thật mỏng dòn, li ti, li ti trong cõi phù du.

Đọc thơ anh làm tôi phải :
“Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời
   ….
  Ta nghiêng vai soi lại tình người …”
                                (Trầm Tử Thiêng)

Rồi tôi lại nghe văng vẵng đâu đó:
“ Đôi khi ta lắng nghe ta
nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
hồn ta gió cát phù du bay về…”
                                 ( Trịnh Công Sơn)

Vâng! Giữa lúc tôi đang còn lan man trong thế giới thi ca của Hồng Băng thì Tửu Sĩ bất ngờ xuất hiện, mang đến tin vui, với luồng sinh khí (bằng cảm tác):

Không suy không nghĩ không bàn
Vô vi, cõi Phật, thiên đàng cũng không
Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây.
Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay  
                                      Tửu Sĩ

Có lẽ các bạn thơ đang thắc mắc TỬU SĨ là ai ? Ngay cả nhà thơ Hồng Băng cũng ngờ ngợ, không biết có phải là bằng hữu của mình không?

Thú thật, khi tôi đọc comment đầu tiên mà Tửu sĩ viết cho bài thơ THIÊN CỔ của Hồng Băng, thì tôi nhận ra đó là bút pháp độc đáo của thi huynh khả kính, trong nhóm Hoàng Gia của tôi rồi!  

Tửu sĩ là một TIỀN BỐI trong làng văn học. Ngoài sáng tác thơ, Tửu sĩ hay có những comment sâu sắc, dí dỏm, và là tác giả đã BÌNH hàng trăm bài thơ rất hay! Tới đây, chắc hẳn các bạn thơ biết ngay đó chính là nhà thơ CHÂU THẠCH rồi.

Quay trở lại bài thơ của Hồng Băng  và cảm tác của Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ (mà sau đây tôi sẽ  lồng vào nhau), để cho giai điệu của chúng đồng ngân lên, cùng chung một cung bậc cảm xúc:

Thật vậy!
Không có gì để bàn luận cả khi Đất Trời, vạn vật luôn vận hành theo một chu kỳ tự nhiên mà tạo hóa đã an bài nên Hồng Băng thốt lên:

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người (Hồng Băng)

Không suy, không nghĩ, không bàn
Vô vi, cõi Phật, Thiên Đàng cũng không (Tửu Sĩ)
Vô vi trong ĐẠO GIÁO được Lão Tử viết đầy đủ “vi vô vi nhi vô bất vi” ( Không làm gì mà không việc gì thì không làm) Bởi vì, tất cả mọi sự đều diễn biến theo tuần hoàn tự nhiên, không cần đến tác động khác, dù chỉ là yếu tố nhỏ, (cũng khiến mọi sự bị đảo lộn trật tự của nó!) cho nên không cần thiết phài làm...

Vô vi trong PHẬT GIÁO: Là Không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, Tất cả theo vận hành tự nhiên..

Cho nên: khi Hồng Băng thưa “ bất khả tư nghì”, thì Tửu sĩ đã đáp “ Không suy , không nghĩ, không bàn/ Vô vi, Cõi Phật, Thiên Đàng cũng không” quả là “Đồng Thanh tương ứng” ! Chừng như hai nhà thơ đã thẩm thấu một quy luật chung của Tạo Hóa.

 “Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người”
 NHỚ là mầm vô thỉ chứa trong A-Lại-Da thức. 
Ta trộm nghĩ “…. Từ khi NHỚ NGƯỜI” nhà thơ muốn nhắc tới  một kiều nữ mà ông đã vô tình để lạc dấu, khiến nỗi- ám- ảnh- không- rời- ấy- luôn - vây- bủa - ông trong từng khoảnh khắc tĩnh lặng của tâm hồn chăng?

Hay “nhớ NGƯỜI” ở đây không ai khác hơn, mà cứ khư khư hướng về chính mình, cái Bản Ngã u mê của mình?.

Hoặc giả “nhớ NGƯỜI”  ở đây chính hướng về Vô Ngã?

Trong vũ trụ bao la này, cái gì có sinh tự có diệt theo lẽ Vô Thường. Vô Thường vốn là Khổ. Cái gì Khổ mà biến đổi theo duyên Sinh (không tùy thuộc vào chính nó) thì chính là Vô Ngã.

Nếu thấu đáo được Vô Ngã rồi thì Phá Chấp thôi! Phá Chấp là lộ trình dẫn đến cảnh giới An Lạc của Tu Trì.

“ Lặng nghe tịch tĩnh không lời”
Đã ở trong u tịch, im lìm tuyệt đối, thì trong mênh mông dịu vợi ấy thì có gì đâu, có gi đâu để mà nghe ? Thế nhưng Hồng Băng lại lắng nghe tiếng lòng mình vọng lại, thì quả thật sự thinh lặng đó dìm người ta đến tận cùng của sự hoang vu cô độc. Hoặc được nâng lên đến tuyệt đỉnh của sự Thanh Tịnh! Nó thách thức ý chí khám phá đỉnh cao của trí huệ biết bao!

Lặng nghe tịch tĩnh không lời 
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa (HB)

Động từ “Xé”  cho chúng ta có cảm giác nhức nhối, buốt đau đến bất ngờ!
Muốn vươn thành cây cao trong không gian bao la, ngập tràn nắng ấm thì hạt mầm không thể ủ mình trong lòng đất ẩm, tăm tối mà phải mạo hiểm xé vỏ, để chui lên! Muốn nhìn ngắm bảy sắc cầu vòng thì phải trải nghiệm một cơn mưa.
Muốn THOÁT ra thì phải XÉ bỏ lớp vỏ bọc.

Còn “Khung trời” ở đây không đơn giản là không gian riêng tư, mà mang cả khát vọng.

Và thật lạ, Với ngữ cảnh trong câu:“ Có vì sao xé khung trời. Rụng sa” khiến động từ “xé” giàu hình ảnh ấy, đã òa vỡ một ÂM BA kỳ diệu! Nó như tiếng THÉT THIỀM TÔNG đưa TÂM về nơi AN TRÚ. 

“ Rụng sa”. thoảng qua, nghe sao mà chua chát thế!? Bởi: Rụng cho ta khái niệm của trái quá chín, hoặc  trái không còn nhựa sống mới lìa cuống mà bất khả rơi xuống! “Sa” lại cũng đồng nghĩa với rụng, rơi!

Cố nhạc sỹ Phạm Duy từng ngẩn ngơ khi nhận ra  tâm hồn mình đã chín qua mấy mùa buồn đau, khiến trái sầu rụng rơi ấy…  từ trong bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận đã bay bổng qua nốt nhạc tài hoa, vượt thời gian của ông!

Thế nhưng trái sầu của Huy Cận_Phạm Duy cũng không sánh được với trái sầu của Hồng Băng. Bởi trong trái sầu cô tịch kia đã thai nghén nỗi nhớ LUÂN HỒI.

Phải, Từ trong sâu thẳm của ký ức, khởi đi từ niệm( nhớ) của Hồng Băng đã chế ngự, lên ngôi, rồi bão hòa. Khiến Tửu Sĩ phải khẳng định:
Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây” ( TS)

 Phất phơ giữa cõi ta bà 
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.(HB)
“Cúi nhặt” từ ngữ mang hình tượng đẹp, bộc lộ lòng khiêm cung. Với ngữ cảnh này,
 ta bỗng hiểu tác giả ngộ ra mình từng lạc lõng giữa chốn mông lung của cõi ta bà này, tất cả chỉ là giả tạm…  sao mãi mê bôn ba tìm kiếm, vọng tưởng mà chi? Hãy nhận lại giá trị nguyên sơ vốn dĩ sẵn có của mình! 

Ta Bà trong Phạn Ngữ có nghĩa là chịu đựng. Đức Phật dạy : Ta Bà ví như nhiều cõi giả tạm,  quán trọ… Phải chăng Hồng Băng đã mang nặng nỗi nhớ (Cũng chính là bản ngã ) vào cõi ta bà như một hành trang bất khả ly thân, rồi bỗng giác ngộ chân lý, tìm thấy chính mình và thoát ra từ chốn vô minh. Cho nên, chẳng lạ gì khi Lão Ngoan Đồng Tửu sĩ tấm tắc:
“Chỉ em và đóa trà bông
Ta bà bỗng hóa thiên bồng chốn đây
Bài Thơ như Bóng Nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình” (TS)


Thật tuyệt! Chỉ gói ghém tâm tư của mình trong sáu câu thơ thôi, mà Hồng Băng đã cho chúng ta hiểu cuộc đời này vốn dĩ vô thường, tất cả chỉ là phù sinh, ta cứ để cho nó diễn biến thuận theo tự nhiên.

Còn Tửu Sĩ thật tinh tế khí ví :

“Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hoá áng mây tình cùng bay”
                                            ( Tửu Sĩ) 

Chừng như Tửu sĩ sinh ra đã mang sứ mạng khai sáng thi ca vậy!
Lão Ngoan Đồng viết cảm tác rất tự nhiên! Khổ thơ trên như một giai điệu mượt mà, giàu hình ảnh.

Bởi, Mây luôn biến thể, đời này là cõi phù vân.Thế nhưng khi ta trở về trong tĩnh lặng của tâm thức, thì chân lý mở ra bờ giác ngộ .

“Bóng Nhạn vút cánh /Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay” cứ như là vector định hướng thật đẹp đẽ và đầy trách nhiệm.

Từ Vút cánh cho ta liên tưởng đến trục tung (Dọc). từ Cánh bồng cho ta liên tưởng đến trục hoành (Ngang) trong chân trời toán học. Dọc - Ngang trong trường đời cho ta khái niệm Người có Sĩ Khí Nhân Nghĩa. Thật Nhân Bản.

Tôi yêu bốn câu thơ kết của Tửu Sĩ biết bao! Bởi trong đó có tinh Vật Lý, Toán Lý, Đạo lý mang thông điệp bình anđến cho mọi người! Ôi cái duy lý ấy không khô cứng, mà rất uyển chuyển, mền mại, nhẹ nhàng đi vào lòng Người.

Cũng như tôi yêu câu thơ cuối của Hồng Băng “ Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm” Còn gì quý hơn khi ta tìm thấy chính giá trị bản thân mình. Bởi vì, nó chính là nền tảng giúp cho ta định hướng được cuộc đời mình. 

Nếu bài thơ "Thấy em cuối nhặt đóa trà hoa thơm" được nhìn dưới góc độ đời thường, thì đây là Áng Thơ Tình lãng mạn, ngạt ngào hương thơm, được ông Tơ bà Nguyệt định sẵn.

Nhưng nếu cảm nhận bài thơ "Thấy Em Cúi Nhặt Đóa Trà Hoa Thơm" theo phương hướng tâm linh, thì đây là cánh cửa Thiền, mở toang khung trời chân lý.

Nếu có lời kết đẹp, tôi muốn gởi đến các bạn thơ của tôi câu nói bất hủ của Đạt Ma Sư Tổ “ TRỰC CHỈ CHÂN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT” Bởi khi liên kết hai bài thơ của Hông Băng và Tửu Sĩ trong tôi đã ngời sáng chân lý đó!

Thật tuyệt : " Xem Thơ Hóa Áng Mây Tình Cùng  Bay" Hai nhà Thơ ở hai miền xa lạ từ khoảng cách địa lý, đến đời sống tâm linh, nhưng bằng ngôn ngữ Thi Ca, bỗng nhiên họ trở thành Tri Âm dù chưa một lần giáp mặt.


Xin phép nhà Thơ Hồng Băng và lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ cho tôi được mượn Tâm Ý của quý anh, để vẽ thành nét son
"Thấy NHAU cúi nhặt Đóa Trà Hoa Thơm
Xem Thơ Hóa Áng Mây Tình Cùng Bay"
để tất cả chúng ta cùng Hạnh Ngộ trong vườn Thơ Hoan Ca, An Lạc.
Cảm ơn nhà thơ Hồng Băng và Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ  đã tặng cho đời Thi Pháp tuyệt vời .

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

HÓA THÂN 2

                                                              Từ phản hồi HueDang


                          May còn hạt bụi bay ra
                       Để ta còn chút gọi là hóa thân
                                         HB

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

TRUNG THU TỰ GẪM

                                         Từ bài thơ Tự Tình của Phong Tâm

                   Trắc khởi- Binh khởi

Nâng chén trà thơm thưởng tuổi già
Khói huyền suy gẫm Tự và Tha
Cây đa khóm trúc nương chiều gió
Góc cũ người xưa đọng cõi ta
Một vầng trăng tỏa đơm đầy sắc
Dăm ánh sao treo điểm xuyết mà
Lác đác giăng trời chân huyển gộp
Sông còn lưu bóng đuối Hằng Nga.
                                HB

CÀNH HOA BA LA

                                          Nhân đọc CHIÊM BAO của Trương Phú

Nhất tâm vàng nở Ba la
Cười tươi điểm khẽ- Đầu đà ngộ duyên
Linh, Thần quang nhập hòan nguyên
Thấu ngôi Niết Diệu tỏ miền Tâm Không.
                                       HB

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

HÓA THÂN

Trước khi có mặt trên đời
Vốn tôi là cát ngàn khơi đỉnh ghềnh


Một ngày bướm lượn, đưa duyên
Hóa thân bay đáp xuống miền sóng xao
Trót vin chéo lụa hương đào
Cầm tay em hát tưởng vào hạnh phương.


Mai, hoa trổ đóa vô thường
Chuông hồi cuối tiếng ngân dường đâu đây.


Tôi em giủ bụi hao gầy
Ngủ đi, kẻo nhớ những ngày, ngày xưa.

                                        SG. 23.15, 20.09.2014
                                                  HB

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

THI HỌA ĐÔI DÒNG VIỆT SỬ

                                                    Họa vận Giác Ngộ 1, đường chủ Kha Tiệm Ly

Nhập nhằng , ngã mạn lấy làm vui
Tam độc tiền khiên trải mấy đời
Tướng dữ Đồ Thư quay gót ngựa
Nguyên nhung Sầm Hứa lụy phương người
Ống đồng Bắc sử nhơ danh, khóc
Như nguyệt truyền ghi tiển Tống, cười
Biển sóng bạt ngàn xua hải tặc
Tre ngà đất Gióng mãi còn tươi.
                          Hồng Băng

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

TỪ ĐÓA SEN XANH, NHỚ BÀI KINH PALI ĐỌC TỤNG

Tôi còn một đóa sen xanh
Một viên ngọc bích nguồn thanh sáng trời
Thọat nghe vọng giữa núi đồi
Đỉnh rền gió hú, tôi ngồi nép sen.

Tụng. Pút thăng să ră năng
Kăch cha mí. Tiếng Phật rằng. Ở đây.
                            HB

ĐỌC CÒN TẬN TÂM HỒN, THÂY THIỀN SƯ MẶC PHƯƠNG TỬ LÀ VIÊN CUỘI TRONG LÒNG SUỐI TỎA HƯƠNG

                                                                              Tặng Văn Nghệ Trời Nam

Còn không giọt lệ đoanh tròng
Đọc thơ thiền, trải tấm lòng cỏ hoa
Ừ nhân thế. Ừ ta bà
Ẩn tàng cuội sắc cũng là tự tâm
Trầm tư u mặc. Cung trầm
Gót chân nối ngón thì thầm địu đau
Bình không, bát rỗng giọt đào
Cưu mang thống lệ đi vào chúng sinh.

Nâng tà áo đạo. Cung nghinh
Nhập trong tướng biệt, chút tình. Chào nhau

                            21.45, 13.09.2014

HƯƠNG TRĂNG

Âm âm trời trắng bệch
Ươm xanh xao phận người
Nụ cười khô khốc hỏanh
Lệ trơ cằn, tôi ơi!

Tay vin mằn đá dựng
Chợt nghe lời thầm thì
Lần theo trong phẳng lạnh
Thâm trầm hồn cổ thi.

Ngữa cổ, đụng chòm mây
Phù vân hay tóc trói?

Quấn quyện và tan bay
Chao nghiêng trời hư dối

Vẫn  âm trời trắng bệch
Bài cổ thi đâm mầm
Tôi ghi vào hiện kiếp
Cầm tay em, thơm trăng
            13.09.2014
               HB

BẢY SẮC

Thì sen vốn chữ liên hoa
Bùn thô cánh ngát cũng là như lai


Đem lòng ngưởng vọng phân hai
Là ôm vạn pháp rớt ngày lụn đêm


Lạc nhau quầng tán, tôi chìm
Lòng mưa, bảy sắc em miền cỏ hoa


Ô kìa! Đôi cánh chim tha
Cỏ khô sợi ấm vào ra ríu ngời.

                       HB

DUYÊN

Hình như thiếu một chút này
Xuồng neo dây ghịt bóng ngày dần buông
Mái dầm trơ trất mưa sương
Vô tâm nắng dọi ấm đường nhạn bay.
                             HB

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

HƯ THỰC BÊN HÒN GIẢ SƠN

Bên hòn giả sơn
Nước tràn khe chảy
Mặt hồ động sinh
Sóng nhòe chiếu thủy.


Cúi soi mặt người
Lung linh ảnh hiện
(Ngọn giả sơn chìm
Tôi còn không em?)

Hương nào bay bay
Ngát đầy tiểu cảnh
Chớp cánh, trùng vây
Bờ chân bến vọng.

Đưa tay dụi mắt
Búp khô tình này
(Vệt mờ áp út
Lang thang đọa đày!)

Tưởng cạn ly này
Sao còn giọt sót?
Để dành mai say
Vớt mùa trăng cũ!

Úp ly nhốt lại
Gót người nguyên khôi
Giả sơn tan rồi
Về thôi, trong tôi.
                     HB.