PHẠM
TƯỜNG BÁ
Phải cầm bút
viết lại loại bài dạng này, đối với tôi thật khó khăn. Lớp bụi thời gian dường
như đã che mờ quá khứ. Tôi cố gắng đào bới, suy nghĩ, nung nấu tới độ kha khá
và mong chờ một cơn gió thổi đi lớp bụi mờ này vì Hồng Băng, một phần diện mạo
của Văn nghệ Trà Vinh.
( Ký họa, Họa sĩ Lê Thánh Thư)
Tôi và Hồng Băng là bạn học từ Tiểu học, Trung học. Cùng là học trò của Thầy Truy Phong Dương Tấn Huấn. Hồng Băng nhỏ hơn tôi ít tuổi và học giỏi nên được ở lại học hành đàng hoàng và trở thành Thầy giáo. Điều đó khiến thơ anh ít chuyện mất mát, đau thương của chiến tranh.
Năm 1969, từ
miền Trung về Sài gòn, tôi có ghé một số anh em thân thiết còn theo nghiệp đèn
sách. Có người đưa tôi tờ báo, Tin Sáng hay Điện Tín gì đó, có mục “Viết trên
quê hương điêu tàn”, và ở đó có bài văn xuôi mà đến giờ tôi không còn nhớ rõ
nội dung, đại loại một chuyện tình thời chiến, lồng trong khung cảnh tỉnh Vĩnh
Bình. Tên tác giả: Phạm Thanh Trung, tên tộc của bạn tôi, nhà thơ Hồng Băng sau
này. Thời ấy, anh em cũng hửi mùi văn nghệ trong tôi nên hỏi tác giả có phải là
bạn bè chúng tôi không? Có bài được đăng báo ở Sài gòn là linh lắm. Và tôi đem
báo đến tận tay Hồng Băng để nghe lời giải thích. Đúng như dự đoán, Hồng Băng
cho biết, khoản nhuận bút đó đủ mua bộ sách bốn cuốn “Chiến tranh và hòa bình”.
Cũng nên nói
thêm chuyến về này, tôi có cầm theo tập thơ “Thuyền giấy” của nhà thơ Trần Huiền
Ân ký tặng nhà thơ Truy Phong.
Những ngày ở
Trà Vinh, tôi kéo Hồng Băng đi chơi với các anh Hoài Giang, Tô Nhược Châu, Phố
Thu, Hồ Thủy, Sa Vũ…
Tới năm 1974,
khi Hồng Băng học ở Sư phạm Vĩnh Long, anh đoạt giải nhất Thơ. Từ Cần Thơ, tôi
về, ghé trường đêm trao giải. Hình như cô Ngọc Anh diễn ngâm bài thơ này. Tôi
ngâm bài thơ khác cũng của Hồng Băng, bài “Ngát khói hương thiêng” và Quang
Dũng với Tây Tiến- Hai bài sau ít nhiều gây lo lắng cho Ban tổ chức vì nội dung
của nó không phù hợp với thời điểm ấy. Cũng may đêm thơ diễn ra bình yên, được
anh em giáo sinh cổ vũ nồng nhiệt.
Cũng nhắc
lại, năm 1970 – 1971, Hồng Băng và Diệp Hồng Phương có tổ chức Thi văn đoàn,
bút nhóm, in ấn, quay ronéo khá nhiều thi phẩm, phổ biến hạn chế trong anh em
và cũng gửi bài tham gia các đặc san của trường, các nhật báo, tạp chí..trong nước..
Con người
Hồng Băng thời trẻ sống khí khái, trực tính và chừng mực mà nhân hậu. Tôn sư
trọng đạo, từng âm thầm trả nghĩa cho Thầy, giúp bạn bè qua cơn hoạn nạn. Việc
này tôi tình cờ biết qua người khác kể lại. Anh không lợi dụng thời thế, sự xáo
trộn của xã hội để vội vàng thay đổi, trở mặt, tự làm sút giảm nhân cách của
mình. Tôi nói như để minh chứng cho cuộc sống thực dụng chứ không nhằm chỉ
trích vào những đối tượng bất nghĩa nào khác.
Đến nay,
chúng tôi cũng hơn 60 tuổi rồi. Qua lâu rồi cái thời “Tóc còn để chỏm, mắt bơ
vơ”. Thỉnh thoảng, ngồi lại với nhau, nhìn lại kiếp người, nhắc lại những cái
còn cái mất, cái hợp cái tan của trò dâu biển,… và cố gắng sống có nhân cách
cho tới ngày xuôi tay.
Về sáng tác
thì như tất cả anh em cầm bút thì ai cũng phải làm mới tác phẩm của mình qua
hình thức lẫn nội dung. Ngày ấy, để tìm chất liệu cho thi ca thì lún sâu vào
rượu, thuốc lá, thức khuya… và làm nát chính bản thân mình. Các anh vì không
biết hay biết rõ nhưng bất cần. Đó là tố chất của văn nghệ chăng? Kết quả thì
sao? Đa phần tác phẩm chưa kịp in ấn thì tác giả đã ra người thiên cổ. May mắn
lắm anh em còn nhắc tới tên!
Đây là câu
thơ mở đề rất đúng với sự thật, cực kỳ chính xác phong cách của giới văn nghệ
“Rượu nhạt
thếch như đời vốn có”
Cũng nên biết
rằng Trà Vinh là xứ rượu nổi tiếng “Xuân Thạnh” – Anh em ít có cơ hội để tiếp
cận loại rượu “quý tộc” này. Rượu pha cồn “bình dân” dẫn đến:
“Hom hem như
tên ốm trầm kha”.
Chí Phèo bước
ra khỏi văn chương. Mấy mươi năm sau, khệnh khạng đi về phương Nam , ghé Trà
Vinh để nhập vào thơ Hồng Băng
“Say tí bỉ
khóc cười quậy phá”
Rất may là
không rạch mặt ăn vạ, tìm cha con Bá Kiến – Và tiếp tục
“Uống rượu
thay cơm thiếu ngọt lành”
Xưa nay rượu
và thơ như hồn với xác, bóng với hình. Thơ và rượu chảy từ Hoàng Hà đến sông
Cửu Long. Dòng chảy dữ dội. Khi say, người ta dễ làm thơ thoát tục (!), vượt
thoát khỏi mọi giới hạn của đời thường.
“Khóc thương
gái điếm chiều mưa phủ”
“ …Khóc
thương đủ thứ trừ thân nát”
Có lẽ họ
thương tất cả những kiếp đời lận đận… trừ bản thân mình, cũng không kém phần
lao đao!
Hình ảnh các
nhà thơ say qua lăng kính Hồng Băng tơi tả tới tột cùng:
Bên lũ bạn
làm thơ chết đói
Và khi tỉnh
làm thơ kẻ nhạc
Cánh văn nghệ
quanh Hồng Băng ngày ấy gần như vậy cả. Họ dùng rượu, thuốc để đi tìm:
“Tình màu
xanh và nhạc du dương”
Họ như cây
nến, sáng chói và hủy diệt chính mình. Rượu và ảo ảnh!
Bài thơ “Gửi
bạn”, bài thơ mà tôi tâm đắc nhất và tự chiêm nghiệm chính bản thân mình. Hồng
Băng đã nói “thẳng thừng”, phơi bày một sự thật phũ phàng. Lâu lắm rồi tôi mới
được đọc một bài thơ xổ thẳng vào đời sống, không kiêng nể, e dè vì tác giả của
nó: Hồng Băng, là như thế!
Cái nhìn của
anh cay nghiệt quá! Vì muốn đem chút ánh sáng cho phần hồn vía, cho đời nên xác
thân đành nhận những gì oan khuất nhất.
Có phải sau
khi viết bài “Gửi bạn”, Hồng Băng thấy rõ phận người hắt hiu đến đáng sợ nên
anh lặng lẽ quay lại đời thường, giã từ chiếu rượu, lìa bỏ sân chơi, sống khuôn
nếp của một nhà giáo, cùng vợ con làm tròn bổn phận với mẹ già còn lại của một
gia đình vì sinh kế đã chia xa, luân lạc.
Và bây giờ,
Mẹ anh, cũng là Mẹ tôi, đã đi xa.
Trở lại với
những sinh hoạt đời thường nhưng không có nghĩa là gát bút. Anh đang thai nghén
một số việc liên quan tới văn nghệ Trà Vinh. Tính Hồng Băng kỹ lưỡng, cầu toàn
nên chưa bật mí. Chúng ta hãy chờ đợi vậy.
Trích Tác Giả Tác Phẩm Người dồng hành quanh tôi 4, p. 132-135
Trích Tác Giả Tác Phẩm Người dồng hành quanh tôi 4, p. 132-135
PHẠM TƯỜNG BÁ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét