NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Hồn người bao
giờ cũng dành một góc riêng linh thiêng và ấm cúng, dành khu trú cho nơi chôn
nhau cắt rún. Chỉ một thoáng gió nhẹ, bỗng sực nhớ những ngày tháng đi lang
thang trong công viên mà nhìn những cánh lá vàng rơi, chợt thơ rung động giăng
khắp hướng về. Những ngày ly hương, lữ khách có lúc nhàn rỗi bất chợt rọi sâu
tâm hướng vào cõi nhớ, hàng cây phong du xoay xoay từng cánh hồng diệp trong
không gian. Con tim ray rứt làm sao chìm lắng được nỗi thao thức nhớ nhà diệu
vợi. Bạn bè nhàn tản gặp gỡ nhau ngồi tán gẫu, tình quê bao giờ cũng thôi thúc
trong lòng lữ khách tha phương. Ngừoi ta yêu từng nét đời thường, nơi sinh
trưởng, đặc thù văn hóa, kỷ niệm nhân sinh, và dù là ngọn gió thu thổi thoáng
qua cũng làm chau lòng người cố xứ. Chính vậy, trong những tiệc rượu tôi thường
ngồi lặng lẽ nhìn những hạnh phúc bằng hữu huyên thuyên trong nỗi nhớ quê. Cách
gần 20 năm rồi, lúc Tô Nhược Châu được bầu chọn giải nhất bài thơ Đã chết nghìn thu tiếng nguyệt cầm do
báo Kiến Thức Ngày Nay chủ trương. Anh về Sàigòn nhận giải rồi đề nghị tôi tổ
chức buổi tiệc rượu nhỏ tẩy trần, trong một quán cốc đường Hưng Phú, cách cầu
chữ Y hơn 500m.Tham dự cùng Tô Nhược Châu, các anh em văn nghệ đầy đủ kể cả có
mặt nhà thơ hai dòng máu Việt Pháp Jacques Potier nhân về Việt Nam thăm mẹ .Sôi
động và cảm động, khiến nhà thơ Jacques Potier xuất khẩu một bài thơ trao tặng
góp phần lưu niệm với anh em (Tập 4 Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi,
phần giới thiệu nhà thơ Jack Potier, có in bài thơ mà Jacques đánh máy gởi về
trước khi thất lộc). Điều tôi nhớ nhất trong buổi tiệc tẩy trần nầy, Tô Nhược
Châu đột nhiên hỏi tôi, định vị các khuôn mặt thơ của Trà Vinh đáng chú ý là
ai? Trà Vinh cũng là quê hương thứ hai của Châu, đã dung nạp cưu mang anh nên
tâm thức anh đầy rẫy hình ảnh thân thương. Ở đây, không phải là sự nhận xét
thăm dò, mà tâm ý Tô Nhược Châu muốn so sánh đối lưu với suy nghĩ của anh về
nhân vật văn nghệ xứ nhà. Sau một hồi suy nghĩ, tôi cũng muốn nhân dịp nầy bày
tỏ, về anh em Trà Vinh nói riêng, và miền Tây nói chung. Chính vậy, tôi trưng
bày ý kiến mãnh liệt, thế yếu chung của người và văn nghệ miền Tây, với sự phân
hóa tự mình tạo ra, dù vẫn có những thế mạnh khác nhưng không thể bù đấp được
điểm yếu phân hóa nầy. Anh em trên bàn tiệc đều là những nhân vật xuất chúng
trong văn nghệ, ở khắp vùng đất quê hương đang sinh sống tại Sàigòn, đều đồng ý
với nhận xét. Từ đó, kết luận tại sao Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm lớn nào so
với thế giới.
Trở lại vấn đề, ngoài anh em lớn tuổi như Truy Phong, Hoài Giang Lê Bá Diệp, Hoàng Anh Tâm, Sa Vũ, Phố Thu... tôi thật sự chú ý đến tứ trụ Phạm Tường Bá, Hồ Thủy, Hồng Băng và Diệp Hồng Phương. Ngoài đời, những anh em đó suýt soát nhau khoảng 10 niên kỷ, nhưng môi trường văn nghệ chỉ cần tài hoa để định danh, không so bì tên tuổi.
Trà Vinh,
vùng đất với hàng hàng lớp lớp rừng cây cổ thụ bao bọc chung quanh, với những
kỳ tích quốc gia như Ao Bà Om, khối chùa Miên tiểu thừa...là ngõ sống tâm linh
của đồng bào tỉnh nhà, không phân biệt gốc gác chủng tộc. Trước năm 1975, nhiều
lần tôi trở lại Trà Vinh cùng anh em chan hòa nhiều kỷ niệm thân tình khiến tâm
khảm chất chứa nhiều nỗi nhớ. Phần đông, các bằng hữu đều phóng khoáng, và
nhiều phương hướng sáng tác văn nghệ say mê cật lực, dù Trà Vinh chỉ cách xa
Sàigòn hơn 200 cây số, nhưng tiếng nói văn nghệ trong giai đoạn chiến tranh
cũng xa diệu vợi.
Trước 1975,
hầu như tôi ít đọc được tác phẩm của các anh em văn nghệ sĩ nơi nầy, họa chăng
chỉ có những bài thơ đăng báo hoặc những lần gặp gỡ ngẫu nhiên hứng khởi tặng
nhau những bài thơ chép tay hoặc những ca khúc được kẻ dòng bay bướm. Cái quý
giá của nghệ thuật là như vậy không ào ạt thương trường, vì hầu như những thi
tập hay nhạc khúc đều nằm trong tư liệu một cách đặc thù, chính sự hòa điệu
giữa những tâm hồn tạo nên sinh khí giá trị, cũng như cách phổ biến tự lực giúp
tác phẩm chan đầy mồ hôi nước mắt khiến hồn tác phẩm có vẻ ảo diệu gần gủi thân
tình hơn. Hơn nữa, mỗi tác giả lại có một hướng đi riêng biệt, không trùng lấp
nhau tạo sự đa dạng trong văn học.
Thơ Hồng Băng
cũng vậy, chan hòa sâu lắng trong cuộc sống hàng ngày, mà sự chung đụng với
bằng hữu chung quanh vẫn không pha lẫn vay mượn lẫn nhau những tư hướng và ngôn
từ. Mỗi cá nhân nhà thơ tự khẳng định mình bằng quan niệm sáng tác, ngôn ngữ và
khuynh hướng riêng trong thi ca. Hồng Băng đến với thơ rất sớm, đến nay anh
cũng xem thơ như chính não cân, dẫn dắt tâm hướng sáng hóa rực rỡ giữa đời
thường. Chính vậy, thơ Hồng Băng đã tạo được một thứ ánh sáng bao bọc quanh tâm
huyết, và hướng thẳng về lộ trình trước mặt. Thơ đến và tự sinh quanh tiềm thức
như cánh chim khổng tước, giương đôi cánh rực rỡ giữa thế giới tâm thức dào dạt
chân khí, thổi cho thơ ánh sáng chân thực phản chiếu giữa đời. Những thai kỳ
cho thơ sống và thở được nhà thơ nâng niu bảo vệ đến tưởng chừng hương đọng cánh hoa quỳ khô, như ngày
tháng mong đợi bắt gặp đóa quỳ vàng, mà đến đổi những giọt lệ đặc quánh/không lăn nổi trên má và vô tình rót
vào nhịp đập trái tim. Thơ Hồng Băng có cái lạ trong liên tưởng, dẫn người
thưởng ngoạn không đoán trước được đường đi của những lời thơ sau. Mới: Em chiu
chắt giữ mộng ngày đầu yêu/ ngọt như
khói rạ cơm chiều, thì ngay bên cửa sổ đã Cò hoang cánh lã tiếc điều thệ
xưa.
Đi vào cõi
thơ của Hồng Băng, những cái bất chợt xảy tới thỉnh thoảng hiện đầy trong tác
phẩm :
Xưa họ trần truồng
Yêu nhau sinh sôi nẩy nở
Nay che kín lại
Phải chăng gió bụi phủ vây rồi?
Thử nhìn ý
tưởng lạ vừa phong phanh trong hai câu thơ:
Nát lòng ấp chút tài hoa
Nở con lận đận bay trà trộn xanh
Hay:
Lên xe lòng se se buồn
Trong quân cờ trận bão cuồng bại vong
Tư tưởng đến
với thơ Hồng Băng có một sự đột biến, khiến dòng thơ băng ngang những lộ trình
có lúc ngộ nhận không bình thường. Bởi sự liên tưởng phát sinh không theo dòng
chảy của sinh học, nẩy nở từ nhân quả có tiền thân mới lưu trú hậu thân. Trái
lại thơ Hồng Băng bay nhảy như một khúc biến tấu không nằm trong trường canh
vạch sẵn. Hướng thơ đi ảnh hưởng bởi liên tưởng bất chợt, khiến hình ảnh đột
biến, nằm ngoài phán đoán người thưởng ngoạn:
Như người con gái ngồi bên mặt hồ
Run rẩy
Và lẫn giữa trời xanh
Ta bắt mình
Lặng lẽ
Giữa bốn bề
Không một ánh sao đêm
Từ hình bóng
người nữ tan nhòa nhập vào trời xanh (dương tính) mà ta lặng lẽ giữa bốn phương
trời chìm ngắt không một ánh tinh quang (âm tính). Quả thật Hồng Băng lập dựng
một hướng thơ có nét không tưởng, đột biến nằm ngoài nét nhìn thường thấy trong
những hướng thơ quanh ta.
Thơ Hồng Băng
vẫn tương đối sinh hóa trong từng tâm trạng và có hứng khởi tuyệt diệu trong
lúc sáng tác. Chính vậy, đường thơ cũng còn chia năm xẻ bảy, biến hóa và hiện
diện như còn mày mò tìm tòi một sân khấu tương hợp để hóa thân.
Nhiều lúc vô
tình lạc lõng trong dòng thơ Hồng Băng giăng mắc dưới sương mai. Sự lãng đãng
trong những dòng thơ ngắn gọn vài hàng chữ, hàm chứa một tư ý mà có lẽ tác giả cũng không ngờ, vẫn vô tình
khai nhụy cho thơ nở giữa khóm hoa vô sắc lạ lẫm trên lộ trình thơ đi. Chúng có
phong thái như những bài haiku, khai mở ngoài tâm thức của tác giả:
Giấu đi bắp chân bông cau bông ổi
Nguội ngắt mặt trời
Ai ăn thì ở xổi?
Thử xem:
Ai thổi lên cánh hoa vàng
Run run nhịp thở
Cúc bay vào bữa biệt ly
Hay ta thử
ngắt đoạn:
Người vẽ
một bụi cỏ
Hồn mùa thu
Không về.
Từ những khí
hậu :
Đêm lặng sâu như vùi như say
Rét sót vùng áp thấp
Rét gió mùa đông bắc
Đến phong
thủy thời tiết bao trùm tư tưởng của thơ:
Đêm đen ngòm bén ngót mây răng cưa
Không một giọt mưa
Tĩnh lặng hàng cây sao cổ
Phải chăng
hương nhập mật thì thầm trong mê lộ liêu trai:
Đêm bìm bịp quên kêu
Lục bình tím lịm
Lãng đãng bóng ma từ biển
Trăm cõi phù
trầm mà thơ Hồng Băng bỏ rớt lại sau lưng, thì hình như ý tưởng vẫn chưa nắm
bắt được kịp với thơ đang phát tiết. Thơ anh di chuyển đột khởi ngoài liên
tưởng, nên hình như trên chu trình sáng tạo, Hồng Băng lạc lõng không bắt nhịp
được để thơ bước diệu kỳ hơn trong những trường canh sinh hóa. Chính cái bất thường
làm thơ có nét lạ đi chăng? Nhiều lúc sự phiêu du của dòng thơ, vẫn làm phương
phi lãng bạt cho tâm và ý hòa đồng, như vậy ta an nhiên tự tại nắm bắt thơ đang
quày quả trong vòng sinh thái của khí và thần, loại trừ được ấn tượng tẩu hỏa,
mà trong quá trình đi của thơ Việt vẫn có những trường hợp đặc thù, ngoại vòng
thoi vậy.
Thơ Hồng Băng
đang chờ y bát trải lòng ra, mà đón huy hoàng một tý hoàng hôn bay phất phưởng giữa mù sa vậy...
NGÔ NGUYÊN
NGHIỄM
Thư trang Quang Hạnh
Đêm trừ tịch tháng 2, Nhâm Thìn
Phỏng vấn: nhà thơ HỒNG BĂNG
BÊN CHÉN TRÀ TÂM SỰ CÙNG
HỒNG BĂNG
1. NGÔ
NGUYÊN NGHIỄM (NNN): Đề nghị nhà thơ Hồng Băng giới thiệu môi trường
văn nghệ Trà Vinh, cùng những khuôn mặt bằng hữu tâm huyết suốt thời gian qua,
ở các bộ môn nghệ thuật tiêu biểu làm sinh động nghệ thuật Đồng Bằng Nam Bộ và
tỉnh nhà.
HỒNG
BĂNG (HB)
*XƯA:
Giao Châu
quán ở Trà Vinh ngày xưa là một quán cà phê. Nơi anh em văn nghệ thường lui tới
để gặp gỡ và lạm bàn về văn chương mà không ngại những cặp mắt khó chịu. Trà Vinh vốn
xanh màu lá sao phả rợp đường phố khi xuân về và mùa lá rơi, hoa sao bay vàng
lộ. “Lục lộ” gom thành từng đống lớn. Chúng tôi khi còn thơ dại, nhặt hoa sao
kết thành vòng, trao tặng nhau trong trò chơi dâu rể. Hồi ức ấy đã khiến tôi ủ
ấp bài Hoa Sao. Thưa từ tận lá vàng buông; Nợ hoa sao, kết chỉ luồn. Từ em.
Giao Châu
trong lịch sử của dân tộc Việt là một quận thời Bắc thuộc. Cái tên gợi lên
nhiều điều, có cái gì như nỗi nhớ xa xăm, diệu vợi. Ở quán, tôi không thể quên
được những ngày đầu tập tành làm thơ. Bức tranh vẽ một người con gái, tóc dài,
có chim, có hoa, có trời chiều, nắng vàng nhạt và hai câu thơ nổi tiếng của nhà
thơ kiêm họa sĩ Sa Vũ.
Nhớ Quế Dung
nhớ chiều sông Cát
Mây cháy vàng
nhuộm tóc hoàng kim.
Ẩn hiện trong
ánh đèn hồng nhạt là cô gái có đôi mắt sâu, có cái mũi cao. Nét đẹp Tây phương
trong cô, như một nàng thơ thanh thoát. Phải chăng cô gái ấy đã làm chàng trai
nhút nhát viết nên những câu thơ để đời? Hay qua nàng thơ ở Giao Châu quán đã
làm nên một Quế Dung ngày nào chợt thôi thúc người thơ?
Xưa, vì lớp
người ngày ấy bây giờ đã già. Cái tuổi mà quá khứ luôn hiện về với một chút
ngậm ngùi, một chút buồn vui. Ở đó, những Hoài Giang, Sa Vũ, Hồ Thủy, Lâm Minh
Yến Ca, Phố Thu, Tô Nhược Châu, Hoàng Anh Tâm, Diệp Hồng Phương, Ly Chinh Việt,
Phạm Vinh Ca, Phạm Tường Bá, Lãng Thanh, Tú Yên, Huỳnh Tâm Hoài… và cả Nguyễn
Thành Xuân, một nhà thơ xứ khác, thường xuất hiện.
Trước đó,
nhiều bậc tiền bối làm rạng danh quê hương. Một Trúc Phương với danh hiệu “ông
hoàng Boléro”; Một Viễn Châu, người khai sinh “Tân cổ giao duyên”; Một Truy
Phong với phong thái chững chạc làm chấn động thi đàn Việt Nam 1956 qua thi phẩm
“Một thế kỷ mấy vần thơ”.
*BÂY GIỜ:
Rất tiếc là
gần mười năm nay tôi không còn tới lui thường xuyên với anh em văn nghệ. Hoàn
cảnh sống và có lẽ một chút tính khí khiến tôi không còn say mê như ngày nào.
Tôi âm thầm lặng lẽ sống, lặng lẽ viết và… không lưu giữ những gì mình viết.
Ngày mẹ tôi mất, tôi như hụt hẫng. Từ nay, trong gia đình, không còn ai gọi tôi
bằng thằng! “Cái thằng đến bạc đầu rồi vẫn ham ăn như con nít”. Sự hụt hẫng ấy
khiến tôi càng thu mình lại, khép kín hơn.
Có một giai
đoạn, tôi được anh em đề cử làm Phân hội trưởng Phân hội Văn học Trà Vinh và
gần đây, tôi thỉnh thoảng có đọc một vài bài của tạp chí Trà Vinh. Thành thật
mà nói, anh em trẻ bây giờ làm thơ hay hơn chúng tôi ngày ấy. Có một xuất phát
điểm tuyệt vời. Bên cạnh những Tăng Hữu Thơ, Thủy Nguyên, Trúc Phong, Lê Tân,
là những Đặng Tấn Đức, Ngọc Vân, Nguyễn Thị Mây, Trần Dũng, Ngô Trọng Nghĩa,
Châu Thị Cẩm Liên, Thế Ngọc, Ý Yên, Vĩnh An, Mã Giang Ba, Huỳnh Anh Thư, Trịnh
Thị Phương, Trần Dũng Nhân, Lâm Vũ Thiên
Nhiên, Lê Uyển Văn. Đặc biệt, có người đã khẳng định được tên tuổi khi còn rất
trẻ: Nhà thơ Văn Triều.
Nối tiếp sau
những Yên Hà (soạn giả), Phong Ba, Nhật Minh, Sa Vũ, Nguyễn Nhân là những Huỳnh
Thanh Tuấn, Thạch Bồi, Nguyễn Ngữ.
Hội Văn học
Nghệ thuật Trà Vinh đang đi đúng hướng. Một số anh em đã có được tập thơ riêng
và là nơi ươm mầm, phát hiện tài năng.
Tôi biết, có
một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại với Hội. Nơi có quá nhiều buồn vui của một
thời.
Tôi ước gì
mình được quay trở lại ngày xưa để được ngu ngơ kiểu Diệp Hồng Phương viết cách
đây gần bốn mươi năm: “Tôi ngu như thể con bò, lên yên xe đạp lò cò theo em”.
Nhân đây tôi
xin cảm ơn anh đã cho tôi được sống lại, dù chỉ một quãng ngắn trong đời và
mượn lời Phạm Công Thiện: “Chúng ta cảm tạ một chút mặt trời trên cao, cảm tạ
một chút lá xanh còn lại, cảm tạ một ánh mắt nào đó của con người, một đóm lửa
nào đó còn lại trong đêm thâu”.
2.NNN:
Là một văn nghệ sĩ tiêu biểu của Trà Vinh, Hồng Băng có một bề dày sinh tử với
văn chương, anh có thể cho biết quan điểm sáng tác, kể cả những tác phẩm đã ấn
hành. Trong giai đoạn cật lực với văn nghệ, Hồng Băng có gặp trở ngại hay một
kỷ niệm nào đáng ghi nhớ trong sự nghiệp của mình?
HB:
Tôi làm thơ theo thứ tự: - Cho tôi và CÕI NGƯỜI, công việc làm thơ cho tôi được
chiêm nghiệm những gì u uẩn nhất và mượn những con chữ để những tồn ẩn được
phát tiết, thăng hoa – như một nhu cầu. CÕI NGƯỜI vốn vô thường nhưng luôn hiện
hữu. Và, tôi luôn làm thơ. Tôi không nghĩ những mất - được riêng lẻ của người
làm mình được – mất.
Hình như ông
Đặng Tấn Tới có viết những từ rất siêu thoát: “Hết trơn”, “cái không tên”… Thấy
hết trơn và đọc được cái không tên thì rõ ràng chẳng cần phải đi tìm – Thơ ắt
định hình.
Rồi như lời
nhạc Trịnh Công Sơn – “Gió cuốn đi” – Đi đâu? – Tôi nghĩ chắc chỉ loanh quanh
bên CÕI NGƯỜI thôi!
Thi phẩm Kinh
Cầu Chim Núi – Hương Xưa là những đứa con nhiều khuyết tật và được tôi thương
yêu. Qua nó, những non kém đầu đời như một ưu điểm để nhận chân quá khứ. Chuyện
đời văn nghệ, trở ngại là thứ thuốc… thử - Mình viết một đàng và người ta có
quyền nghĩ một nẻo. Cái cách “thưởng lãm” thơ kiểu này vẫn còn tồn tại. Cỡ như
Truy Phong còn thân sơ thất sở nữa huống gì tôi! Giải quyết ư? Tôi không cần
phải giải quyết điều gì mình không gây ra, ít ra trong thơ. Và tôi đã ngộ ra
rằng, tất cả đã êm thắm vì thời gian đã tạo được sự dồng cảm, vì ngày nay khác
với hôm qua dù một sát na!
3.NNN:
Anh có thể bày tỏ về giai thoại và cuộc đời nhà thơ TRUY PHONG và sự khổ tâm
của tác giả MỘT THẾ KỶ MẤY VẦN THƠ. Ý kiến của các văn nghệ sĩ chung quanh sự
kiện này?
HB: Một
– Bên hàng rào kẽm gai ngăn cách ngôi chùa Khmer và đường đất có một tăng một
tục đứng nói chuyện. Người mặc toàn trắng cho biết rằng ông đã đi tìm vị
tăng kia nhiều lần. “Hôm nay gặp may, thầy tặng em tập thơ”
Tựa thi phẩm
“Con vẫn sống”.
Hai – Ngồi ở
quán cà phê ven đường từ tinh sương là một trung niên. Anh một mình, trầm tư.
Gương mặt vốn phong trần, nay lại thêm đầy vết thâm tím – Hậu quả của những bữa
tiệc rượu.
Trời sáng
bảnh mắt. Cửa nhà bên rục rịch mở và có một người bước ra. Anh trung niên bật
dậy. “Tôi chờ ông hơi lâu” – Và cười! Anh thanh niên ngạc nhiên đứng quan sát
rồi ồ lên “Tôi nhận ra anh rồi!”.
Sau đó kẻ đưa
người nhận, líu ríu hàn huyên.
Nếu như quan
tâm, khách quán có thể nhìn thấy tựa tập thơ “Đã chết nghìn thu tiếng nguyệt
cầm”.
Ba - Một cao,
một thấp song hành. Đôi đũa lệch ấy thân nhau từ lâu. Ông thấp người trao một
khung ảnh trang trọng “Đây là bức ảnh chân dung hôm ở phế tích Bati. Tôi chụp
ông đẹp không? Và đây là ký họa tôi nhờ ông Lưu Nhữ Thụy vẽ. Mai mốt khi cần có
cái để mà sử dụng”.
Ba câu chuyện
ấn tượng và gây xúc động nhất trên nẻo đường văn nghệ của đời tôi.
Người trao
ảnh, bút ký ấy là nhà thơ NGUYỄN BẠCH DƯƠNG, nhà thơ nghèo nhất lúc bấy giờ.
Người trung
niên trong câu chuyện lặn lội từ Bến Tre sang Trà Vinh tìm tôi, tặng tập thơ là
TÔ NHƯỢC CHÂU. Cây đại thụ của thơ Vĩnh Bình ngày trước.
Cả hai vị này
đều lớn hơn tôi non chục tuổi, vào làng văn trận bút khi tôi còn viết chữ chưa
rành. Nhưng cả hai vị đều coi tôi như bạn thân.
Và vị cuối
cùng: Nhà thơ TRUY PHONG (Dương Tấn Huấn), tác giả làm chấn động thi đàn Nam bộ 1956 qua
tác phẩm MỘT THẾ KỶ MẤY VẦN THƠ. Ông người gốc Vũng Liêm, một huyện lỵ có lúc
thuộc tỉnh Vĩnh Long; có lúc thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Ngày nay Vũng Liêm thuộc
tỉnh Vĩnh Long. Ông tham gia kháng Pháp cùng thời với nhà thơ Kiên Giang, nhà
văn Sơn Nam .
Sau đó ông về dạy học tại trường Thánh Gioan, rồi Trung học bán công Trần Trung
Tiên. Nhà ông ở xóm Thanh Lệ nay thuộc Phường I
Thành phố Trà Vinh. Ở đây, ông sống trong cảnh thanh bần vui vầy bên các
con. Đi dạy, ông mặc toàn trắng và khá nghiêm cẩn. Tôi học ông năm đệ tứ, môn
Việt Văn. Để hợp thức hóa, học bạ của học sinh do một giáo sư khác ký (Bà Vương
Thị Thu Ba, một giáo sư khá trẻ thời đó, ký thay ông). Điều này cho thấy thời
ấy, mọi người tôn trọng chân tài hơn bằng cấp. Tên tuổi Truy Phong được người
người trọng vọng.
Thời đi học,
tôi chưa bao giờ là học sinh ngoan dưới mắt bất kỳ thầy cô nào. Tôi không coi
kỷ luật nhà trường là cái phải tuân theo. Truy Phong vốn nghiêm khắc nên giữa
thầy trò có một khoảng cách nhất định. Hơn nữa, tôi vốn ghét và dốt môn văn.
Học hết đệ tứ, truyện Kiều tôi lõm bõm một vài câu!.
Năm 1973, sau
một thời gian làm thơ, tôi in thi phẩm Kinh Cầu Chim Núi. Các bài “Đẹp mãi Trà
Vinh” (đã lạc mất bản thảo) “Ngát khói hương thiêng”…. đăng trên các báo, giai
phẩm, Chim Việt văn đoàn… được thầy khen. Tôi, từ lúc còn học cho đến khi xa
trường, lần đầu tiên được thầy khen ngợi. Cả thầy và tôi đều xúc động. Có ai
ngờ được đứa học trò vừa nghịch vừa dốt văn, bây giờ lại được khép nép, đứng
chung thuyền với thầy.
Năm 1974,
không còn cách nào khác tốt hơn, tôi thi và đậu vào Trường Sư Phạm Vĩnh Long,
lại tiếp nối bước chân thầy. Tôi dạy và là Hiệu trưởng một trường cơ sở cấp I và II ở vùng ven biển
Trà Vinh đến 1980 thì thôi việc vì gia cảnh.
Năm 1975,
giải phóng miền Nam ,
cuộc chiến chính thức chấm dứt – Hòa bình đến với niềm vui vô bờ. Tôi trong
nhóm sinh viên làm công việc thu hồi sách báo chế độ cũ. “Một thế kỷ mấy vần
thơ” không ngoại lệ! Tôi nói điều này mà không chút trách cứ, hờn giận gì. Tôi
hiểu giai đoạn lịch sử khắc nghiệt này và tôi đã làm hết sức mình để bảo vệ lẽ
phải. Tiếc thay, hòa trong không khí cuồng nhiệt sôi nổi thời ấy, tiếng nói của
tôi chừng như lạc lõng và mấy câu thơ của Truy Phong, được trích đoạn, dẫn
chứng… như một sự thỏa hiệp với giặc Pháp!
Bây giờ anh
xuống tàu binh
Trăm năm
chuyện cũ thôi mình bỏ qua
Và trích đoạn
ấy làm thi sĩ Truy Phong thân sơ thất sở, ông tự buộc mình phải quay về cố xứ
ngậm ngùi:
“Có kẻ chiều
nay về cố xứ
Âm thầm…
không biết hận hay vui?”
Ông đã khởi
đầu bài thơ, tiễn chân người lính viễn chinh Pháp. Và chắc ông không ngờ rằng,
như một điềm dự báo, cho chính mình!
Về cố xứ, ông
vẫn chưa được bình yên. Những đố kỵ hiềm khích vẫn bủa vây lấy ông. Người ta
công kích cả thái độ sống. “Anh hỏi ông Truy Phong à?- Tôi biết! Ông ta không
làm gì hết ngoài chuyện đọc sách!” Tôi hỏi, “Anh đến đây tìm ai, làm gì?” –
“Gửi bài đăng báo, thể loại văn xuôi” – “À, thế anh viết cho ai đọc?”.
Im lặng! Tôi
bồi câu cuối cùng! “Chúng mình cần những ông-già-tối- ngày-đọc-sách ấy lắm!”.
Những bài
viết hàm ý nhắc đến Truy Phong cũng đều bị khó dễ! Có lẽ anh VCT biết chuyện
này nhiều hơn tôi, vì VCT là tác giả “Cánh cò trắng trên bầu trời Thị xã”. Bài
đã bị gác lại! Tôi có đọc một lần, hình như trên báo bướm của VCT.
Tôi, Nguyễn
Bạch Dương, Huỳnh Tâm Hoài có được may mắn đến thăm ông. Ông yếu lắm rồi, nhìn
tôi: “HB ơi, HB ơi, lâu lắm rồi mới gặp lại!”.
Và tôi thấy
mình như có lỗi lớn với thầy.
Ông qua đời
giữa vùng cù lao sông nước. Tôi nghe rằng, giữa hương khói tiễn biệt, có khá
nhiều người sám hối. Một kết thúc có hậu cho Thầy tôi. Tôi mừng vì lời sám hối
muộn màng ấy, nó giúp tôi tin vào cuộc sống này, yêu cuộc sống này nhiều hơn.
Nghe lời sám hối ấy, tôi tin chắc thầy lại buông một câu thơ thuở nào:
Trăm năm
chuyện cũ thôi mình bỏ qua
Và
Ô rờ voa!
Sông nước cù
lao ngày đêm mang phù sa bồi đắp. Ở đó, cây bao dung, cây nhân nghĩa mọc lên
dưới ánh sáng mặt trời, vạm vỡ và xanh mướt, ngời ngời tinh khôi.
Ô rờ voa! Chỉ
là tạm biệt!
Sẽ gặp lại
Một Thế kỷ mấy vần thơ, Thái Bình trả lại, Con vẫn sống!
Truy Phong
vẫn còn đó.
4.NNN:
Thời đại công nghệ thông tin, giúp biến đổi cả đời sống tâm lý, vật
chất, kể cả tinh thần. Riêng địa hạt Văn học nghệ thuật, cũng có quan điểm mới
của sáng tác, điển hình, phong trào sắp đặt, tân hình thức, hậu hiện đại. Nhà
thơ Hồng Băng có chính kiến gì?
HB:
Câu hỏi quá khó! Tôi xin được dài dòng giải bày:
Thế giới
phẳng hơn và con người “có khi” cần thích nghi để tồn tại. Sự đổi mới đòi hỏi
phải giũ bỏ những gì kém cần thiết và hiểu biết những gì cần thiết, sẽ cần
thiết. Điều này, có khi đòi hỏi sự hy sinh!
Từ một cực
này sang một cực khác thường đem đến sự hụt hẫng vì thiếu một vạch nối, tôi tạm
mượn chữ người xưa Trung dung.
Theo tôi,
muốn tân hình thức, hậu hiện đại, siêu hiện đại… gì gì đi nữa cũng phải nhớ
rằng: Không tôn trọng hiện tại thì không có siêu hiện đại đâu!
Trở lại phần
đầu, tôi nói “có khi” và không hẳn ta phải thay đổi vô điều kiện. Có những cái
vốn vậy vẫn vậy. Không nhất thiết phải hăm hở thay cơm bằng bánh mì. Có khi lại
phải ăn cơm bằng thứ gạo xay thô mà ở quê tôi, cách đây năm mươi năm vẫn thường
ăn, như lời khuyên của y học Hiện đại. Đọc “tuyên ngôn” của một hãng bảo hiểm
“Hãy lắng nghe và thấu hiểu” tôi chợt liên tưởng đến Đức Quán Thế Âm. Phải
chăng có những điều ta tưởng đi sau, hiện đại hóa ra là cái đã có, từ lâu?
Mục đích sáng
tạo là để giải phóng chính mình / và truyền đạt / có hiệu quả nhất. Sẽ chu toàn
khi có sự chia sẻ, hòa nhập… Và có khi được người thưởng lãm nâng lên. Họ liên
cảm theo tâm trạng của chính họ, đôi khi vượt quá tâm ý của tác giả. Đọc một
bài thơ viết về vườn trầu, hàng cau… độc giả có thể liên tưởng đến người vợ đã
khuất. Họ nghĩ đến lễ cưới ngày xưa của họ với rộn ràng nghi thức. Độc giả khác
nghĩ đến bà ngoại già với trăm ngàn kỷ niệm thời tuổi nhỏ. Ai mà biết được họ
nghĩ gì! Khi thời gian chồng chất, mười năm sau họ lại cảm bài thơ ấy khác hơn,
tái tạo nữa!!
Ngôn ngữ của
nghệ thuật vốn xúc tích, gợi cảm, hàm chứa tính tượng trưng, cho nên: sắp đặt,
tân hình thức… cũng nhằm mục đích tốt đẹp ấy, mới lạ hơn, hấp dẫn hơn. Sự lĩnh
hội của người thưởng lãm sẽ quyết định tồn tại hay không tồn tại sự thay đổi
này.
Với thơ,
không chỉ là sự liên kết của những con chữ mà còn phải phả cái thần khí để
chuyển cảm nữa. Người vẽ một bụi cỏ, hồn
mùa thu không về. Ai thổi lên cánh hoa vàng run run nhịp thở, Cúc bay vào bữa
tiệc ly.
Thơ trong
tôi, nơi chốn của trầm tư, quan hoài. Thơ hay sự trở về, hoài niệm… Tôi yêu
“Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan, Tôi yêu “Tình già” của Phan
Khôi… là vì thế. Không gian ấy có thể không là đền đài, không trang nghiêm như
đình chùa miếu mạo nhưng dứt khoát nó không là nơi dung chứa, trú ngụ của những
hàm hồ, thô tục, nhầy nhụa.
Có thể có một
Picasso thống trị hội họa như một Hoàng đế mà tôi chưa bao giờ là một thần dân!
Đơn giản: Tôi không hiểu ngôn ngữ của Ông. Có thể Ông đã đi trước thời đại –
Tôi cần có điều kiện. Tôi cần có thêm thời gian.
Họa sĩ, Thi sĩ:
Những đấng tiên tri?
Tôi nghĩ, có
lẽ thế!
Có thể tôi
lạc hậu rồi chăng?
5. NNN:
Anh có đột biến gì cho thời gian sắp tới về sáng tác và giới thiệu tác phẩm
mới? Hơn 10 năm nay, Hồng Băng chưa trình làng thêm đứa con tinh thần nào, phải
chăng đang thai nghén vài công trình văn học, như bằng hữu trân trọng báo tin?
Cám ơn nhà thơ Hồng Băng, chúc vạn an.
HB:
Sau khi in tập thơ Hương Xưa năm 1993, tôi bị hụt hẫng nhiều. Nó không như ý
mình muốn. Một số bài thơ bị mất đi. Số bài còn lại thì… không nguyên vẹn mà
tôi không rõ lý do. Không thất vọng sao được, vì như anh đã biết, hai mươi năm
sau tập “Kinh cầu chim núi” mới có tập Hương Xưa. Từ đó đến giờ, cũng gần hai
mươi năm rồi, tôi vẫn chưa in tập thơ nào. Theo chu kỳ, có lẽ 2013 chăng? Hy
vọng là thế! Và chắc vẫn là Thơ thôi, nhưng mang diện mạo khác.
Mới đây mà đã
sáu mươi năm trôi qua rồi. Trà Vinh còn nhiều thứ để viết lắm. Sự thay đổi với
tốc độ cao của xã hội khiến mình mệt nhoài, nếu không muốn bị rớt lại. Sẽ làm
một tập văn xuôi, ghi chép những vặt vảnh về sự khác biệt trong quãng sống mà
mình là nhân chứng: “Trà Vinh trong trí nhớ”- để dành cho lớp sau kịp biết rằng
cha ông đã sống, đã nghĩ, trên vùng đất như thế. Nhớ đâu viết đấy, cố gắng
không bỏ sót.
Rồi mảng giới
thiệu văn hóa Khmer cũng còn nhiều điều để bàn. Hát ru con, Sala như một trạm
dừng chân, Núi cát núi lúa trong Chôl Chnam thmây… Trên tạp chí “Xưa và nay”
cách đây vài năm, tôi có viết về OT OM BOCK. Bài viết không đi vào chi tiết lắm
vì một vài lý do riêng. Mà chi tiết, biết mở rộng cũng thú vị lắm. Quý vị có
biết đôi đũa ăn cơm của người Khmer xưa, điều gì là đáng để ý? Lý thú không? Đọc
trên báo Sinh viên, thấy người ta viết về quý sư người Khmer, mặc áo vàng, dép
vàng, ca uống nước cũng phải màu vàng… Cái này không đúng đâu. Phải cải chánh.
Cụ Vương Hồng Sển viết quan Bố Chánh Trần Trung Tiên chết tại chùa Long-ô. Xứ
tôi làm gì có Long-ô?
Tản mạn cùng
anh một chút. Mà muốn như thế, có nhiều lắm không? Nếu 60 năm là tròn một vòng
đời, thì hình như tài khoản chính đã hết, đã ò í e. Cái còn lại là tài khoản
khuyến mãi thôi. Kịp không?
Đọc Kinh
Thánh thấy có câu “Hãy gõ, sẽ mở”.
Tôi tha thiết
hơn: “Tôi đang gõ và tôi hy vọng sẽ mở”.
Tôi tin mình
làm được, cái mà tôi cần là một chút nhân duyên.
NGÔ NGUYÊN
NGHIỄM thực hiện ( Trích Tác giả và Tác phẩm NĐHQT IV2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét